Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa có quyết định công nhận cây thị (tên khoa học là Diospyros decandra Lour) tại thôn Kim Sơn là Cây Di sản Việt Nam.
Cây thị trên hiện có chu vi thân chỗ tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, chiều cao từ 35-50m, đường kính thân cây khoảng 5-6 người ôm mới xuể, cây thon nhỏ dần lên phía ngọn, lớp vỏ bên ngoài cây với chi chít ụ nổi, đường gân sần sùi và có nhiều cây dây leo bám chặt… Phía trong gốc thân cây khoét rỗng tự nhiên, cao khoảng 4-5m và có thể chứa 4-5 người trú ẩn được.
Theo người dân địa phương, cây thị có trên 700 năm tuổi, tọa lạc trên một khu đất riêng ở thôn Kim Sơn và được người dân địa phương đặt tên là “Cây thị ăn thề” hay “Gốc thị sử tích”. Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai bão lũ, đến nay cây thị vẫn phát triển xanh tốt, cành lá sum suê, sừng sững giữa đất trời. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 là cây lại cho ra hàng ngàn quả thị to tròn, chín vàng mọng, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Tương truyền, tại gốc cây thị này, ngày trước Bình Định Vương Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng nhau giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh xâm lược. Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại sử: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/Dưới gốc thị thề nguyền/Nguyện đồng tâm đồng chí/Phá giặc xây cơ đồ”.
Hồng Nhật