Nhà Xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn truyện tranh “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”. Cuốn sách được thực hiện bởi tác giả Phạm Thị Kiều Ly, người phụ trách nội dung và cốt truyện, cùng họa sĩ Tạ Huy Long, người chịu trách nhiệm toàn bộ phần hình ảnh minh họa.
Nội dung “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” dựa vào luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018, sau đó được hiệu chỉnh và in thành sách năm 2022 tại Nhà Xuất bản Les Indes Savantes (Pháp) cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và một số cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai. Cuốn sách là sự kết hợp hài hòa giữa hai phần “Đắc Lộ kí sự” và “Chữ Quốc ngữ kí sự”. Trong đó, “Đắc Lộ kí sự” được đặc biệt thể hiện bằng hình thức truyện tranh với những tình tiết li kỳ và đặc sắc giúp độc giả dễ theo dõi và nắm được quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt. Còn phần “Chữ Quốc ngữ kí sự” sẽ giúp người đọc tìm hiểu về hành trình chữ Quốc ngữ đi vào đời sống của người dân Việt qua những đóng góp của những người biên soạn từ điển hay dịch sách sử dụng chữ Quốc ngữ, cũng như qua thái độ của giới trí thức Việt trước sự lan rộng của chữ Quốc ngữ, hay những chặng đường chông gai để chữ Quốc ngữ được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam. Ở phần cuối sách còn in kèm phụ lục giải thích rõ hơn về cách ghi âm của tiếng Việt, cũng như chú giải cho những phần in đậm trong văn bản của những thuật ngữ Công giáo, thuật ngữ ngôn ngữ và tên riêng cần giải thích.
Tuy là truyện tranh, nhưng cuốn sách sẽ phần nào giúp chúng ta tham khảo để trả lời các câu hỏi: Chữ Quốc ngữ là gì? Ai đã tạo ra nó? Tại sao chúng ta hiện nay lại dùng văn tự Latinh khác hẳn với các nước xung quanh?
Hồng Nhật