Đoàn Chèo Hải Phòng vừa ra mắt vở “Xuân Hương nữ sĩ”, do NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng, tác giả Nguyễn Đức Minh viết kịch bản, NSND Đạt Tăng thiết kế mỹ thuật, NSND Minh Thu chuyển thể chèo.
Lấy mốc Hồ Xuân Hương năm 29 tuổi, vở chèo đã tái hiện lại những thăng trầm, vinh nhục, trần ai trong cuộc đời của nữ sĩ họ Hồ. Đây là thời điểm Hồ Xuân Hương làm chủ quán thơ Cổ Nguyệt đường vang tiếng ở đất Thăng Long. Tài thơ của bà đã vang khắp gần xa, được nhiều tao nhân, mặc khách mến mộ.
Từ quán thơ này, bà có dịp được giao lưu với rất nhiều tầng lớp và thành phần… trong đó có bạn thơ Chiêu Hổ. Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương sau nhiều lần đối đáp thơ phú đã phải lòng nhau. Tuy nhiên, do Chiêu Hổ không dám ngỏ lời nên cuối cùng Hồ Xuân Hương nên duyên với Tổng Cóc (Chánh tổng Nguyễn Bình Kình). Tổng Cóc là người rất yêu quý, mến mộ và trân trọng tài năng thơ ca của Hồ Xuân Hương. Nhưng cuộc hôn nhân chưa thành thì Tổng Cóc buộc phải để Hồ Xuân Hương rời đi vì không đành lòng nhìn bà bị vùi dập, áp bức và chịu nhiều oan ức.
Chia tay Tổng Cóc, nữ sĩ họ Hồ trở về với Cổ Nguyệt đường tiếp tục làm thơ và dạy học. Tại đây, bà gặp lại Phủ Vĩnh Tường (Tú tài Phạm Viết Ngạn) là người bạn thơ thuở vong niên, vốn rất trân trọng và mến mộ tài năng của bà. Ngỡ rằng gặp được người tri âm tri kỷ, cả hai sẽ có cuộc sống hạnh phúc, đoạn trường của Hồ Xuân Hương sẽ chấm dứt, nào ngờ, cuộc đời bà lại lâm vào bi kịch khác đó là do quá thanh liêm, chính trực mà Phủ Vĩnh Tường bị bọn quan tham đương thời vu oan, cấu kết bắt bớ rồi kết án tử. Để kêu oan cho chồng, Hồ Xuân Hương viết tấu tìm đến các cửa quan nhờ dâng lên vua nhưng tất cả đều quay lưng với bà. Duy chỉ có Tổng Cóc nhận lời giúp đỡ nhưng cuối cùng Phủ Vĩnh Tường vẫn bị kết án tử.
Bi kịch và nỗi đau dồn dập khiến Hồ Xuân Hương thốt nên nhiều lời thơ ai oán. Vở kịch kết thúc bằng bài thơ “Bánh trôi nước” với những vần thơ: Thân em vừa trắng lại vừa tròn/Bảy nổi ba chìm với nước non/Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ đặc biệt, bà không chỉ để lại cho cuộc đời một di sản thơ Nôm đồ sộ và độc đáo mà còn cất tiếng nói cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của người phụ nữ dưới thời phong kiến. Vì lẽ đó, ngày 23/11/2021, UNESCO đã chính thức vinh danh bà là “Danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại". Trên sân khấu, Hồ Xuân Hương từng được nhiều nhà hát dựng vở, trong đó, tiêu biểu hơn cả là vở chèo “Hồ Xuân Hương” được Nhà hát Chèo Việt Nam dựng năm 1987, do NSND Bùi Đắc Sừ đạo diễn, Thùy Linh - Bùi Đức Hạnh viết kịch bản. Sự thành công của vở “Xuân Hương nữ sĩ” lần này là một đóng góp lớn của Đoàn chèo Hải Phòng và ê kíp thực hiện trong việc tôn vinh tài năng lớn của Nữ sĩ.
Hồng Nhật