Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch 2576/KH-BVHTTDL về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI (năm 2024).
Theo kế hoạch , ngày hội trên sẽ tổ chức trong 03 ngày dự kiến từ ngày 27 đến 29/9/2024 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận với sự tham gia của 09 tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước", Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI nhằm tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh thuộc khu vực này.
Trong khuôn khổ Ngày hội, các hoạt động sẽ diễn ra bao gồm: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; Trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục dân tộc Chăm; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; Trưng bày ảnh về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; Triển lãm tranh mỹ thuật về văn hoá dân tộc Chăm...
Trong kế hoạch đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu tổ chức Ngày hội phải trang trọng, quy mô gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương. Đảm bảo tính thống nhất, khoa học, linh hoạt trong công tác chỉ đạo giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội. Các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội cần thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, đảm bảo tính quần chúng, phong phú về loại hình, sáng tạo, đa dạng, độc đáo về nội dung. Các chương trình tham gia Ngày hội phải được chuẩn bị chu đáo, luyện tập kỹ, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân; các hoạt động mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với yếu tố tiến bộ của thời đại. Đồng thời có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc Chăm trong bối cảnh hiện nay.
Hồng Nhật