Là một tỉnh thuộc Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa đến nay có chiều dài lịch sử 360 năm (tính từ mùa xuân Quý Tỵ - 1653, khi Cai cơ Hùng Lộc Hầu vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần lấy vùng đất từ Đèo Cả đến bờ Bắc sông Phan Rang sáp nhập vào nước Đại Việt, lập thành Dinh Thái Khang).
Tuy nhiên, cho đến những năm đầu thế kỷ XX, văn học, nghệ thuật ở vùng đất này vẫn trong tình trạng chưa mấy phát triển và không để lại dấu ấn quan trọng. Nguyên nhân chính là do việc tổ chức học hành dưới chế độ phong kiến thực dân, chưa được quan tâm và việc lưu giữ, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật không được chú ý. Mãi đến năm 1935, về văn học, các nhà nho ở Khánh Hòa mới lập ra Mai Thành thi xã, và hoạt động của nhóm chỉ nằm trong giới hạn ngâm vịnh, thù tạc với nhau. Cũng vào thời gian này, trên lĩnh vực sân khấu, có một số giòng tuồng từ Bình Định, Quảng Nam… vào Khánh Hòa thành lập đoàn hát và lưu diễn nhưng hoạt động vẫn còn ở dạng mang tính tự phát, bầu đoàn.
Văn học, nghệ thuật ở Khánh Hòa giai đoạn 1945- 1954:
Sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, cũng như ở nhiều địa phương khác trong nước, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như một luồng gió mới thổi vào đời sống văn nghệ tại Khánh Hòa, tạo chuyển biến mới trong tư tưởng những người làm công tác văn học, nghệ thuật và văn học, nghệ thuật đã bám vào thực tế cuộc sống, trở thành vũ khí góp phần để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Và đến năm 1950, Phân hội Văn nghệ Khánh Hòa được thành lập. Hoạt động văn nghệ giai đoạn đầu của thời kỳ này ở Khánh Hòa chủ yếu là ca hát và diễn kịch (phần lớn là kịch cương, ứng khẩu). Bên cạnh đó, cuộc thi viết cho báo Thắng (tờ báo của Tỉnh ủy Khánh Hòa) tổ chức với chủ đề “ Vì sao tôi căm thù Tây” cũng như cuộc thi sáng tác do Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Phân hội Văn nghệ Khánh Hòa tổ chức (1953) về chủ đề “ Kháng chiến yêu nước”… đã có tác dụng động viên, tập hợp lực lượng sáng tác văn học trong giai đoạn đầu.
Các đồng chí lãnh đạo, cán bộ đến quần chúng nhân dân – nhất là bộ đội ở thời kỳ này rất nhiều người đã tham gia văn nghệ. Con đường chung của nhiều người là từ kháng chiến đi đến với văn học và dùng văn học để phục vụ kháng chiến. Từ phong trào đó, nhiều người đã trở thành tác giả. Những cây bút chủ lực của Khánh Hòa là Trọng Minh (bút danh của đồng chí Nguyễn Minh Vĩ, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh), Võ Văn Sung (Trưởng ty Thông tin tuyên truyền), Lý Văn Sáu, Nguyễn Lưu… Đến giữa cuộc kháng chiến, có thêm nhiều cây bút trẻ xuất hiện như Giang Nam, Văn Nam… Cùng với một số kịch ngắn và ca khúc, thơ là thể loại xung kích để vận động nhân dân đấu tranh chống giặc, trong đó thơ lục bát biến cách là thể đắc dụng nhất lúc này. Thơ ra đời ở giai đoạn này tại Khánh Hòa mang âm hưởng từ truyền thống văn học dân gian địa phương, từ ca dao, hò vè, nên có tính quần chúng rõ rệt, nó hầu như từ quần chúng mà ra và thể hiện tiếng nói quần chúng. Một trong những bài thơ được nhiều người nhớ, được viết ra trong chặng đầu con đường thơ của Giang Nam là bài Tôi sẽ trả thù cho anh.
Văn học, nghệ thuật ở Khánh Hòa giai đoạn 1954 -1975:
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975) là giai đoạn văn học, nghệ thuật Khánh Hòa diễn ra khá phong phú. Đội ngũ sáng tác đông đảo. Họ là những người tập kết ra miền Bắc viết về quê hương miền Nam; một số người khác từ miền Bắc vào cùng với những người hoạt động tại chỗ chiến đấu bằng cả ngòi bút và cây súng. Nhưng có lẽ đội ngũ đông đảo hơn là lực lượng sáng tác văn học yêu nước trong những đô thị, những vùng bị tạm chiếm, chủ yếu tập trung ở thành phố Nha Trang.
Nỗ lực của kẻ thù là làm thế nào xuyên tạc bôi đen những người kháng chiến và chủ nghĩa cộng sản. Kẻ thù muốn tạo dựng chân dung những người cộng sản như biểu tượng khủng khiếp, cuồng tín, man rợ để phục vụ cho chính sách tố cộng của chúng. Văn học yêu nước ở Nha Trang – Khánh Hòa trong hoàn cảnh ấy, không có cách nào hơn là tiếp tục viết về cuộc kháng chiến chống Pháp như sự phản bác lại sự xuyên tạc của kẻ thù, viết về hôm qua cho hôm nay và dự báo những gì sẽ đến trong ngày mai – điều này thể hiện rõ trong các sáng tác của Võ Hồng ở thời kỳ đầu giai đoạn chống Mỹ.
Một nhóm trí thức tiến bộ do Đảng lãnh đạo tổ chức ra báo Gió mới, tờ báo yêu nước đầu tiên xuất hiện trong nội thành Nha Trang. Giang Nam, với những thể nghiệm ban đầu trong kháng chiến chống Pháp đến giai đoạn này tiếp tục sáng tác phục vụ chiến đấu với nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu luận trên những trang Gió mới.
Sau Gió mới là các nhóm Sao Việt, Nhân sinh, Liên kết của anh em trí thức sinh viên học sinh trong thành. Có thể nói trong suốt hai mươi năm sống dưới chế độ Mỹ ngụy hầu như không có thời gian nào vắng bóng các cây bút Khánh Hòa trên các báo chí yêu nước của miền Nam.
Đóng góp đầu tiên và nổi bật của văn thơ yêu nước Khánh Hòa là tiếng nói tha thiết về tình yêu quê hương. Cùng với Thanh Hải ở Thừa Thiên – Huế, thơ Giang Nam là tiếng ngân đầu tiên của miền Nam đánh Mỹ. Giang Nam đã mang theo hình ảnh quê hương suốt các chặng đường đánh giặc từ tập Thơ kháng chiến, Tháng Tám ngày mai đến Người anh hùng Đồng Tháp, Vầng sáng phía chân trời, Thành phố chưa dừng chân ..
Cùng một xu hướng với Giang Nam là Trần Vũ Mai. Dẫu không phải là nơi sinh ra và lớn lên (cũng như Trần Mai Ninh, Trần Vũ Mai là người Thanh Hóa) nhưng anh gắn bó máu thịt với Nha Trang – Khánh Hòa. Trong những năm đánh Mỹ gian khó, Trần Vũ Mai đã từng lặn lội theo lính đặc công vào sâu tận quân cảng Cam Ranh, vùng ven của thành phố Nha Trang, và ở đó anh nhận ra những tấm lòng sắt son của người dân đối với cách mạng và sức mạnh của họ rồi chuyển tải vào thơ mình:
Ôi những bàn chân nắng đốt cát hầm
lời thề thấm vào vách sông mạch đá
những thành phố ta yêu như thành Nha Trang
nặng chắc đứng lên
sức mạnh nhân dân nổi dậy kết liền
(Cực Nam)
Ngoài ra, mảng thơ viết trên “trận địa đường phố” không ngớt vang lên trong những cuộc xuống đường, những cuộc hội thảo, những đêm hát cho đồng bào tôi nghe, và trong mảng thơ này đáng ghi nhận ở một số tác giả như Triệu Phong, Trần Vạn Giã, Lê Ký Thương, v..v..
Vào thời gian này, mảng văn xuôi của lớp trẻ trong các đô thị vùng tạm chiếm cũng đã để lại nhiều dấu ấn. Những người viết hầu hết đều là nạn nhân của chế độ Sài Gòn bắt đầu từ chính thân phận của mình mà đi đến những vấn đề xã hội. Có lẽ do hoàn cảnh khách quan đã đưa họ vào cùng một vị trí xã hội, nên tiếng nói của họ đều tập trung vào một vệt đề tài, hướng chung vào một chủ đề. Thế Vũ trình bày những trận đánh thất bại lên tục của “quân đội cộng hòa” sẽ dẫn tới thất bại lớn hơn là sự sụp đổ của chế độ miền Nam (Những vòng hoa ngụy tín, Một ngày trong thung lũng, Ngày về...); Nguyễn Hoàng Thu xót xa cho thân phận tủi nhục của những người chiến đấu dưới bóng cờ xa lạ đang vật vã trong tù đày ở các quân lao (Dưới bóng cờ xa lạ, Người bắt ruồi); Lê Ký Thương lại bộc lộ nỗi ám ảnh khủng khiếp của thân phận người lính đã chết trong lúc còn đang sống, khi nhìn ra được sự đen tối, bế tắc của tương lai (Về nột cái chết trong một cái sống...) Và một lần nữa, tiếp nối với những gì đã có vào thời gian đầu, văn xuôi Võ Hồng để lại một dấu ấn sâu đậm trong thời kỳ này khi đề cập đến một số nội dung như cuộc sống bị đồng tiền tha hóa trong Gió cuốn, nỗi khổ của nhân dân dưới ta họa chiến tranh xâm lược trong Người về đầu non, Nhánh rong phiêu bạt, v.v…
Trên lĩnh vực mỹ thuật, trong thời kỳ này ở vùng địch chiếm đóng có một số cuộc triển lãm do các tác giả từ Sài Gòn phối hợp với một số tác giả của Khánh Hòa tổ chức tại Nha Trang, và trên lĩnh vực sân khấu có một số bầu gánh hát chủ yếu là Tuồng và Cải lương. Trên lĩnh vực âm nhạc ngoài dòng nhạc bi lụy của chế độ cũ, phong trào “hát cho đồng bào tôi nghe” của sinh viên, học sinh thuộc vùng đô thị đã diễn ra sôi nổi. Đặc biệt, vào năm 1965, Đoàn văn công Khánh Hòa đã được thành lập tại chiến khu và đã góp phần quan trọng vào việc phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ta ở vùng giải phóng. Về nhiếp ảnh, thời kỳ này tại Nha Trang và các vùng thị trấn, thị tứ của tỉnh có nhiều người làm nghề chụp hình nhưng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đáng chú ý là cũng trong thời kỳ này, rất nhiều phóng viên chiến trường thuộc quân giải phóng đã có không ít tác phẩm ảnh ghi lại được nhiều dấu ấn về cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ của quân và dân ta tại Khánh Hòa.
Văn học, nghệ thuật ở Khánh Hòa giai đoạn từ 1975 đến nay:
Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật ở Khánh Hòa thêm một lần nữa được bổ sung khá nhiều tác giả, trong đó có những người đi xa nay trở về quê cũ, có những người từ nhiều địa phương khác trên đất nước chuyển về công tác tại đây. Đội ngũ đông đảo hơn, thể tài và đề tài trong sáng tác cũng được mở rộng hơn nhiều.
Về văn học: Bên cạnh Đào Xuân Quý, Giang Nam, Nguyên Hồ, Đỗ Anh Tịnh, Trần Vũ Mai….những người cầm bút trong nội thành như Võ Hồng, Thế Vũ, Trần Vạn Giã, Nguyễn Hoàng Thu, Lê Ký Thương, Lê Văn Thiện, Nguyễn Âu Hồng… vẫn tiếp tục sáng tác. Bên cạnh những người đến góp sức chung tay trong giai đoạn mới của cách mạng như Nguyễn Gia Nùng, Cao Duy Thảo, Nguyễn Khắc Phục, Đồng Xuân Lan… là sự kế tục của một đội ngũ ngày càng đông đảo trong đó có Cao Linh Quân, Đỗ Kim Cuông, Lê Khánh Mai, Đặng Triệu Phong, Ngô Xuân Hội, Trần Chấn Uy, Quý Thể, Hoàng Nhật Tuyên, Phan Cao Toại, Ái Duy, Nguyễn Đức Linh, Tôn Nữ Thu Thủy, Bạch Lê Vân Nguyên, Phạm Dũng, Đặng Minh Châu, Nguyễn Minh Ngọc, Tôn Phong, Vân Hạ, Lê Văn Thiện, Huỳnh Việt Hải, Tôn Nữ Thanh Yên, Phạm Dạ Thủy, Tạ Hùng Việt, Đào Thị Thanh Tuyền, Nguyễn Hoa Lư, Hà Nam Tiến, Khuê Việt Trường, Lưu Cẩm Vân, Xuân Tuynh, Trần Thị Giao Thủy, Phùng Tiết, Lê Đức Dương, Cao Nhật Quyên, Phụng Tú… Từ những năm 1990 trở về sau này, trong tỉnh tiếp tục xuất hiện nhiều cây bút mới, trong số đó đáng chú ý có: Phong Nguyên, Quốc Sinh, Lê Đức Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Trần Quang Huy, Hữu Thức, Vũ Khuê, Trần Khánh Linh, Phong Nguyên, Lê Đức Quang, Huỳnh Việt Hà, Đào Thị Diễm Tuyết, Trần Ngọc Hồ Trường, Phan Văn Lương, Nguyễn Thị Khánh Ninh, Trần Đặng Thanh Hiền, Trần Quang Phong, Lam Hạnh, Mai Trâm, Thanh Tuyền, Thúy Liên, Duy Hoàn, Lê Thy …
Cùng với đội ngũ kể trên, lực lượng hoạt động văn học tại Khánh Hòa tiếp tục phát triển và cho đến nay Hội Văn học – Nghệ thuật Khánh Hòa đã có gần một 100 Hội viên hoạt động trên lĩnh vực sáng tác văn học với các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ và hàng năm đã có hàng chục tác phẩm được xuất bản… Cũng trong giai đoạn từ 1975 đến nay đã có khá nhiều tác giả hoạt động trên lĩnh vực văn học tại Khánh Hòa đã được tặng những giải thưởng từ các cuộc thi về các thể loại văn học do các cơ quan báo chí Trung ương tổ chức, đặc biệt Nhà thơ Giang Nam đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2001.
Song song với phong trào sáng tác thơ văn, đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, nghiên cứu và phê bình văn học cũng không ngừng phát triển. Ngoài những tác giả đã được khẳng định buổi đầu như Nguyễn Thế Sang (Sang Thu Thủy), Lê Quang Nghiêm, về sau đã có thêm một số nhà nghiên cứu như Ngô Văn Ban, Nguyễn Viết Trung (Nguyễn Man Nhiên), Nguyễn Công Lý, Trần Việt Kỉnh, Chu Xuân Bình, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Thành Thi, Chu Xuân Bình, Trần Vũ, Chamaliaq Riya Tiẻnq, Trần Kiêm Hoàng, Lê Đình Chi, Võ Triều Dương, Võ Khoa Châu, Trương Quang Cảm, Nguyễn Văn Thích…, và đến nay Hội Văn học –nghệ thuật Khánh Hòa đã có gần 20 hội viên thuộc lĩnh vực này, trong số đó không ít tác giả đã nhận được nhiều giải thưởng do Hội Văn nghệ dân gian trao tặng hàng năm…
Về âm nhạc: Lĩnh vực âm nhạc ở tỉnh Khánh Hòa, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cũng đã có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng đã ra đời và đã được hát từ những ngày đầu thắng lợi ấy như Mừng Nha Trang giải phóng của Hoàng Thơ Huy, Nha Trang mùa thu lại về của Văn Ký, Nha Trang thành phố tôi yêu của Văn Dung… Những bài hát cách mạng đó đã đặt nền móng bước đầu cho thời kỳ âm nhạc tự do, độc lập của Khánh Hòa.
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp cũng là yếu tố tạo hứng khởi sáng tác cho những nhạc sĩ trong vùng tạm chiếm, những nhạc sĩ từ chiến khu hoặc miền Bắc trở về và làm nảy sinh thêm những người sáng tác âm nhạc trẻ trong tỉnh. Và chính trong không khí tự do, độc lập của đất nước, trên quê hương Khánh Hòa, nhiều tác giả, tác phẩm âm nhạc ra đời và đã được công chúng trong cả nước đón nhận. Từ con số không trước ngày giải phóng đến nay đã Khánh Hòa đã có trên 50 tác giả sáng tác âm nhạc, trong đó có 16 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Một số tác giả đã có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cấp quốc gia và được công chúng cả nước biết đến như: Tố Hải, Bằng Linh, Nguyễn Tiến Liêu, Hoàng Thơ Huy, Đỗ Trí Dũng, Văn Chừng, Hình Phước Long, Hình Phước Liên, Ngọc Anh… Bên cạnh đó còn có không ít nhạc sĩ có nhiều sáng tác đáng được ghi nhận như Văn Bình, Trần Huy Thanh, Minh Đạo, Cao Minh Thọ, Huỳnh Liên, Kiên Thanh, Nghiêm Sỹ Hòa….
Công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian, cổ truyền của các tộc người trong tỉnh luôn được giới nhạc sĩ chú trọng và đã trở thành mạch nguồn cho những sáng tác mới tiếp tục ra đời.
Trong lĩnh vực biểu diễn, âm nhạc Khánh Hòa cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sau ngày giải phóng, Đoàn văn công Khánh Hòa được tổ chức lại thành Đoàn Ca múa nhạc Phú Khánh, rồi đổi tên là Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng (1982). Trong hơn một thập niên (từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX) Đoàn Hải Đăng hoạt động ngày càng có uy tín, đã vươn lên trở thành một trong những cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực biểu diễn ca múa nhạc ở miền Trung và toàn quốc với những tên tuổi như: Anh Đào, Nguyễn Hải, Ngọc Thúy, Mỹ Hạnh, Ngọc Liên… đã từng một thời làm say mê biết bao tâm hồn yêu âm nhạc trong nước. Những năm gần đây, hoạt động biểu diễn âm nhạc tại Khánh Hòa tiếp tục có những bước chuyển mới, sự phát triển mạnh của các phương tiện truyền thông, công nghệ tiên tiến đã mở rộng phạm vi hoạt động của âm nhạc hơn bao giờ hết. Thông qua các cuộc thi âm nhạc, một số ca sĩ trẻ Khánh Hòa như Mai Khôi, Phạm Anh Khoa đã trở thành ngôi ca nhạc được công chúng cả nước yêu quý. Ở đây, cũng cần nhắc đến hai anh em nhạc sĩ violon tài ba Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam là người Khánh Hòa (du học và hiện đang là nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc Quốc gia Pháp) và nhà soạn nhạc cho đàn guitar Hoàng Ngọc Tuấn đang được rất nhiều công chúng chú ý.
Về nhiếp ảnh: Sau ngày đất nước được giải phóng, cùng với sự phát triển của các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, hoạt động nhiếp ảnh mà đặc biệt là nhiếp ảnh nghệ thuật ở Khánh Hòa được các cấp lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh được ngành văn hóa tỉnh tổ chức đã thu hút khá nhiều tay máy chuyên nghiệp và nghiệp dư ở nhiều địa bàn trong tỉnh gởi tác phẩm tham dự. Ngoài những nghệ sĩ chuyên nghiệp như Hữu Cứu, Trọng Nghiệp, Hà Bình, Lê Bá Dương, Tấn Thắng, Ngô Mỹ … còn có thêm những nhiếp ảnh gia như Huỳnh Muối, Đinh Bộ Lĩnh,Trần Khả Quang… Họ là những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa lúc bấy giờ.
Đến đầu năm 1981, trước phong trào sáng tác phát triển mạnh mẽ, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã thống nhất với nghành văn hoá địa phưong quyết định thành lầp Tổ sáng tác ảnh Nghệ thuật đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa, do nghệ sĩ Hà Bình làm Tổ trưởng và Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Cứu làm tổ phó. Cũng từ đó, lực lượng làm công tác nghệ thuật ở Khánh Hòa liên tục phát triển. Từ chỗ chỉ có một số hội viên sáng lập lúc ban đầu, đến nay số lượng hội viên nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật Khánh Hòa đã có gần 50 người, và từ chỗ ban đầu chỉ có 01 hội viên được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (1981), đến nay đã có gần 30 hội viên, trong số này có tới 50% được phong các tước hiệu cao quý của Hội NSNAVN và của Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP, trong đó có rất nhiều tên tuổi đã được khẳng định như Hữu Cứu, Trọng Nghiệp, Hà Bình, Lê Bá Dương, Tấn Thắng, Ngô Mỹ, Long Thành, Võ Văn Thành, Quang Ngọc, Hồ Thi, Phạm Duy Hiền, Nguyễn Ngân, Lại Khánh, Tào Hòa, Nguyễn Hữu Anh Tuấn, Võ Văn Cậy, Đặng Đức Bình, Trần Minh Ngọc, Lê Bu, Đinh Xuân Dũng, Trịnh Dũng, Hoàng Trọng Dũng, Bùi Xuân Hoài, Nguyễn Đông, Văn Thành Châu, Đỗ Diên Khánh, Huỳnh Nam, Mai Lộc, Lê Danh Đông, Hồ Văn Liêm, Quang Minh, Trần Văn Nam, Lê Văn Thuận, Nguyễn Văn Quế, Cao Văn Thống… Hàng năm, ảnh nghệ thuật Khánh Hòa đã đạt khá nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các cuộc thi ảnh trong nước, quốc tế, khu vực. Đặc biệt, trong 17 kỳ Liên hoan ảnh Nghệ thuật Khu vực Nam miền Trung và Tây nguyên thì có tới 16 kỳ nhiếp ảnh Khánh Hòa đạt Giải đồng đội do có số lượng ảnh tham dự cao và có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng.
Về Mỹ thuật: Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lực lượng hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp ở Khánh Hòa chưa nhiều, trong số đó có các Họa sĩ Trần Anh Vinh, Thanh Hồ, Phạm Văn Vết, Trần Ngọc Quỳnh, Lê Thị Ngân, Vũ Hoàng Linh, Võ Thủ Đức, Trung Lý, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Hòa Ân, Quang Tuyến, Lê Vũ, Nguyễn Ngọc Cường… Nhưng cũng từ đây, lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này ngày càng phát triển. Nhiều thế hệ họa sĩ có năng lực, có trình độ chuyên môn, được đào tạo đã qui tụ từ nhiều nơi trong nước về công tác và đã góp phần bổ sung, tạo nên diện mạo khá đa dạng trong công tác mỹ thuật của Khánh Hòa. Hiện nay, Chi hội mỹ thuật thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật Khánh Hòa có gần 50 Hội viên, trong đó có 22 người là Hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình hoạt động, không ít tác giả được giới mỹ thuật trong nước biết đến như Bùi Văn Quang, Lê Trí, Nguyễn Liêu, Trần Hà, Trần Mạnh Đức, Nguyễn Hữu Bài, Lê Văn Duy, Đoàn Xuân Hùng, Kinh Dinh, Tôn Thất Anh, Ngô Đăng Hiệp, Lê Huỳnh, Văn Xuân Lộc, Nguyễn Đình Khánh…
Với nhiều phong cách khác nhau, cùng với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, hoạt động mỹ thuật Khánh Hòa trong những năm qua đã góp phần đắc lực vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Bên cạnh một số phòng tranh được duy trì và hoạt động có hiệu quả tại Nha Trang, nhiều cuộc triển lãm cá nhân và tập thể của các họa sĩ Khánh Hòa đã được tổ chức trong tỉnh, trong nước. Bên cạnh đó, không ít tác giả đã có tranh tham gia các cuộc triển lãm ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản…Đặc biệt cho đến nay, đã có hàng chục tác phẩm của anh chị em làm công tác mỹ thuật ở Khánh Hòa đã được tặng giải thưởng tại triển lãm mỹ thuật Khu vực miền Trung – Tây Nguyên, triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Bên cạnh đó có một số tác giả cũng đã có tranh được chọn và lưu giữ, giới thiệu tại Nhà bảo tàng mỹ thuật Việt Nam; một số tác giả khác cũng đã có tranh được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn, giới thiệu trong bộ sưu tập của Hội…
Về sân khấu: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân tại địa phương, cùng với một số Đoàn hát tư nhân thuộc các thể loại Tuồng, Cải lương được chuyển thành các Đoàn nghệ thuật tập thể, tỉnh Phú Khánh có 02 Đoàn nghệ thuật tuồng nhà nước (Đoàn nghệ thuật tuồng 1 và Đoàn nghệ thuật tuồng 2) và Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa (Đây là Đoàn Dân ca kịch Giải phóng khu Trung - Trung Bộ, chuyên về kịch hát Bài chòi, phục vụ tại chiến trường Liên Khu V, theo Quyết định của Ban Tuyên huấn Khu ủy V, được chuyển về Khánh Hòa, hợp nhất với Đoàn văn công Giải phóng Khánh Hòa, lấy tên mới là Đoàn Dân ca kịch vào tháng 9 năm 1975). Năm 1986, trước tình hình mới, Nhà hát Tuồng Phú Khánh được thành lập bao gồm hai Đoàn tuồng 1 và Đoàn tuồng 2 cùng một số bộ phận chức năng, với mục đích vừa biểu diễn phục vụ, vừa nghiên cứu, bảo tồn vốn nghệ thuật sân khấu truyền thống tuồng nhằm khai thác, kế thừa, phát triển loại hình nghệ thuật này. Đến cuối năm 1989, khi tách tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, Đoàn tuồng 2 của Nhà hát được chuyển về tỉnh Phú Yên, và Nhà hát tuồng Phú Khánh được đổi tên thành Nhà hát tuồng Khánh Hòa (trong đó chỉ còn Đoàn tuồng 1). Như vậy, đến thời gian này, ngoài Nhà hát tuồng, tỉnh Khánh Hòa còn có Đoàn Dân ca kịch do nhà nước quản lý và một số Đoàn hát tư nhân. Đến năm 2002, để thuận lợi cho công tác nghiên cứu và tổ chức biểu diễn Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Nhà hát tuồng Khánh Hòa với Đoàn Dân ca kịch của tỉnh.
Mặc dù về mặt tổ chức có nhiều thay đổi, nhưng suốt chặng đường dài từ năm 1975 đến nay, lực lượng làm công tác sân khấu ở Khánh Hòa đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Đã có gần 100 vở diễn đã được dàn dựng, và hàng năm, các Đoàn nghệ thuật sân khấu của tỉnh đã không ngại khó khăn, liên tục tổ chức các buổi diễn nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân, kể cả những vùng hải đảo, miền núi xa xôi. Các tập thể và cá nhân thuộc các Đoàn nghệ thuật của tỉnh trong những năm qua cũng đã nhận được rất nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc qua các mùa liên hoan, hội diễn. Nhiều tên tuổi qua các thế hệ đã được khẳng định. Trong số đó về diễn viên đáng lưu ý như Hoàng Thủ, Trần Thị Thời, Bích Liên, Quang Hạnh, Nguyễn Đình Ảnh, Nguyễn Ngọc Châu, Minh Tâm, Dũng Tiến, Thu Hà, Võ Thanh Hoa, Bach Én, Thanh Bình, Nguyễn Hữu Hùng, Lưu Kim Hùng, Trần Nhật Lệ, Linh Nhâm, Bích Thủy, Bích Vương, Kim Khiêm… Về đạo diễn có Nguyễn Hữu Sắc, Cao Nguyên, Hoàng Minh Tâm, Nguyễn Văn Khánh, Hồ Hồng Sơn, Nguyễn Tiến Thêm… Đặc biệt, qua phong trào hoạt động sân khấu, đến nay, ở Khánh Hòa đã có 01 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 19 anh chị em khác được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Song song với công tác dàn dựng, biểu diễn, công tác sáng tác nghiên cứu, sáng tác kịch bản sân khấu cũng được qua tâm, đẩy mạnh. Trong lĩnh vực này, có Nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống kiêm tác gia kịch bản Mịch Quang, Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức và các Nhà biên kịch Lê Nhị Hà, Nguyễn Thế Khoa… Đặc biệt, với cống hiến của mình Nhà nghiên cứu kiêm tác gia kịch bản Mịch Quang đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2001. Riêng Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức đến nay đã có gần 70 kịch bản thuộc các thể loại tuồng, dân ca được sáng tác hoặc chuyển thể và ông đã dành được rất nhiều giải thưởng quan trọng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng như về kịch bản qua các lần liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.
Từ phong trào hoạt động trên, chuyên ngành sân khấu đã góp phần quan trọng trong hoạt động chung cũng như công tác xây dựng Hội Văn học – Nghệ thuật Khánh Hòa. Hiện nay Chi hội sân khấu thuộc Hội Văn học – Nghệ thuật Khánh Hòa có gần 70 Hội viên, trong đó có 35 người là hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Về tổ chức Hội Văn học –Nghệ thuật Khánh Hòa:
Xác định tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật và tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật phát triển là yêu cầu bức thiết nhất, có ý nghĩa chiến lược trong nhiệm vụ xây dựng Khánh Hòa trở thành một tỉnh giàu và đẹp. Xuất phát từ nhu cầu chính đáng đó, ngay từ năm 1980 (khi còn là tỉnh Phú Khánh), Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh và đến năm 1985, Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh đã được tiến hành. Tiếp đó, đến năm 1989, thực hiện chủ trương của Trung ương, Phú Khánh được chia thành hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và trên cơ sở đó Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh cũng được tách ra. Năm 1990 Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ I được tổ chức và từ đó đến nay Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa (kể cả khi chưa tách tỉnh) đã qua các kỳ Đại hội, gồm:
- Đại hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Phú Khánh lần thứ I vào ngày 23 – 11 -1985 (Phú Khánh là tên hợp nhất 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 11 người; Ban thường vụ 5 người gồm Nhà thơ Giang Nam (Chủ tịch), Nhà văn Y Điêng, Nhà thơ Nguyên Hồ, Nhà thơ Đào Xuân Quý, Nhà văn Cao Duy Thảo.
- Đại hội Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần I tổ chức từ 1 đến 3 -3 -1990. Đại hội bầu Ban Chấp hành 11 người. Ban thư ký gồm: Nhà thơ Đào Xuân Quý (Tổng thư ký), Nhà văn Cao Duy Thảo (Phó tổng thư ký), Nhạc sĩ Hình Phước Long (Ủy viên thư ký).
- Đại hội Hội văn học- Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần II họp vào các ngày 2 và 3 -8 -1994. Đại hội bầu Ban chấp hành 9 người. Ban thường vụ gồm: Nhà văn Cao Duy Thảo (Chủ tịch) và các Phó chủ tịch là Nhà văn Đỗ Kim Cuông và Đạo diễn Nguyễn Văn Khánh.
- Đại hội Hội văn học- Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ III họp từ 5 đến 6 – 10 - 1999. Đại hội bầu Ban chấp hành 11 người. Chủ tịch là nhà văn Cao Duy Thảo; các Phó Chủ tịch là Nhà thơ Lê Khánh Mai và Họa sĩ Nguyễn Hữu Bài.
- Đại hội Hội văn học- Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ IV họp từ 19 đến 20 - 10 - 2004 . Đại hội bầu Ban chấp hành 11 người và Chủ tịch là Nhà thơ Lê Khánh Mai; các Phó Chủ tịch là Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên và Họa sĩ Nguyễn Hữu Bài.
- Đại hội Hội văn học- Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ V họp từ 27 đến 28 - 8 - 2009. Đại hội bầu Ban chấp hành 11 người và Chủ tịch là Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên; các Phó Chủ tịch là Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức và Nhạc sĩ Hình Phước Liên.
- Đại hội Hội văn học- Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa lần thứ VI họp từ ngày 2 đến 3 – 10 - 2014. Đại hội bầu Ban chấp hành 11 người và Chủ tịch là Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức; các Phó Chủ tịch là Họa sĩ Trần Hà và Nhà nghiên cứu Lê Văn Hoa.
Vào năm 1990, khi tiến hành Đại hội lần thứ nhất, Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa có 106 Hội viên. Đến nay, (không kể chuyên ngành Điện ảnh và Kiến trúc sinh hoạt riêng), Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa có gần 350 Hội viên thuộc 06 Chi hội chuyên ngành, gồm: Văn học, Mỹ thuật, Sân khấu, Văn nghệ Dân gian, Nhiếp ảnh, Âm nhạc.
Ngoài các Chi hội trực thuộc, Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa có một tờ báo văn nghệ trực thuộc, đó là Tạp chí Nha Trang. Đây là Tạp chí được xuất bản từ năm 1976 với tên Văn Nghệ Phú Khánh, sau đó lần lượt được đổi tên là Tạp chí Cánh Én rồi Tạp chí Nha Trang. Từ năm 2000 trở về trước xuất bản 2 tháng 1 kỳ, và từ năm 2001 đến nay, Tạp chí Nha Trang xuất bản định kỳ hàng tháng với nội dung phong phú và được phát hành rộng rãi.
Giải thưởng:
Cùng với hàng trăm giải thưởng cũng như Huy chương Vàng, Huy chương Bạc mà Hội viên Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa nhận được qua các cuộc thi, các cuộc liên hoan, triển lãm trong nước và quốc tế hoặc giải thưởng do các Hội văn học - Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức, từ năm 1975 đến nay, trong tỉnh có 03 tác giả được nhận Giải thưởng nhà nước về văn học – nghệ thuật là Nhà nghiên cứu nghệ thuật truyền thống kiêm tác gia kịch bản Mịch Quang, Nhà thơ Giang Nam và Nhạc sĩ Tố Hải. Đặc biệt với sự phấn đấu không ngừng của tập thể Hội viên, năm 2006, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vinh dự đón nhận Bằng Khen của Thủ tướng chính phủ và năm 2008 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Về phía tỉnh, năm 2001, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng văn học - nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 1975-2000, qua đó trao tặng giải thưởng cho những tác giả có nhiều đóng góp xuất sắc. Nhận giải thưởng lần này, có 05 tác giả được trao tặng Giải đặc biệt, có 06 tác giả được trao tặng Giải A, có 10 tác giả được trao tặng Giải B, có 11 tác giả được trao tặng Giải C.
Cũng từ năm 2001, với sự tham mưu của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định trao tặng Giải thưởng văn học -nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa hàng năm và 5 năm một lần. Từ đó đến nay, Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa hàng năm được tiến hành đều đặn và mỗi năm đã có gần 20 tác phẩm của các tác giả được trao tặng giải thưởng này.
Riêng Giải thưởng văn học - nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa 5 năm, đến nay đã tiến hành xét chọn 2 lần. Lần thứ nhất được tiến hành vào năm 2006, trong đó có 01 tác giả được trao tặng Giải A, 07có tác giả được trao tặng Giải B, có 09 tác giả được trao tặng Giải C, có 15 tác giả được tặng Giải tặng thưởng. Lần thứ hai được tiến hành vào năm 2011, trong đó có có 06 tác giả được tặng Giải A, 12 tác giả được tặng Giải B , 13 tác giả được tặng Giải C.